Giấc mơ cho con uống sữa đầy đủ của chị Hồ Thị Thu, huyện Bắc Trà My thành sự thật khi Sữa học đường về nơi đây.
Sữa học đường về với trẻ em vùng cao
Chị Hồ Thị Thu (42 tuổi) dân tộc Ca Dong, xã miền núi Trà Sơn, huyện Bắc Trà My có đời sống khó khăn. Hai vợ chồng có ba người con, đứa lớn học hết 12, một đứa bị khuyết tật bẩm sinh và đứa học lớp 2, trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc.
Gia đình làm nương rẫy nên cái ăn qua ngày còn thiếu thốn. Các con của chị lâu lâu mới được bố mẹ mua cho hộp sữa uống, vì không có tiền để mua thường xuyên. “Mỗi ngày lo được bữa cơm còn thiếu thốn thức ăn, nói gì uống sữa thường xuyên, dù tôi biết như vậy con không được cung cấp nguồn dinh dưỡng như bạn bè cùng trang lứa, cơ thể còi cọc”, chị Thu bộc bạch.
Nhưng từ ngày 1/6, người con học lớp 2 của chị và hơn 33.000 học sinh ở 6 huyện núi tỉnh Quảng Nam được uống sữa miễn phí, thông qua chương trình Sữa học đường. Theo đó, cả 5 ngà ytrong tuần khi đi học tất cả trẻ mầm non và tiểu học đều được uống một hộp sữa tươi 180ml tiệt trùng do Vinamilk cung cấp, chất lượng theo các quy định và tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Giống trường hợp chị Thu, chị Hồ Thị Vân, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My chia sẻ chương trình Sữa học đường giúp chị giảm được một khoản chi phí. Tại địa phương, mua một hộp sữa giá gần 8.000 đồng, nhưng nay được miễn phí. “Tính ra, nhà tôi mỗi tuần có thêm được 40.000 đồng vì không phải mua sữa, để dành mua thức ăn, sách vở cho các con”, chị nói.
Đối với trẻ vùng cao, việc học tập bị gián đoạn trong thời gian nghỉ dài vừa qua, được quay lại trường học đã là một niềm vui lớn, nay các em còn được uống sữa mỗi ngày nên rất hào hứng. Em Hồ Văn Khoa, lớp 3, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My vui mừng, mỗi ngày đến trường được uống sữa trong giờ ra chơi. “Ở nhà em ít khi được uống sữa lắm nên khi em được phát sữa uống cùng các bạn thì rất vui. Em sẽ uống hết sữa cô giáo phát cho, vì sữa rất ngon và bổ”, My chia sẻ.
Ngoài huyện miền núi Nam Trà My, huyện Tây Giang cũng là một trong 6 huyện được triển khai sữa học đường. Thầy Hồ Ngọc Danh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Liên xã Đắc Pring- Đắc Pre, huyện Nam Giang cho hay, người dân ở đây làm nương rẫy, hái lượm là chính. Cuộc sống còn khó khăn nên điều kiện lo cho con đến trường rất hạn chế, chủ yếu nhờ vào chương trình quốc gia. “Chương trình Sữa học đường của tỉnh Quảng Nam triển khai tôi rất mừng và hữu ích đối với học sinh”, ông Danh đánh giá.
Học sinh được uống sữa miễn phí
Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, địa phương dự chi 110 tỷ đồng thực hiện chương trình Sữa học đường từ năm 2020 đến 2022. Theo đề án được phê duyệt cho 6 huyện miền núi khó khăn của tỉnh, phụ huynh học sinh sẽ không phải đống bất cứ khoản kinh phí nào mà các con sẽ được uống sữa hoàn toàn miễn phí.
Trong giai đoạn đầu, sau khi tổ chức, đầu thầu công khai, tỉnh đã chọn nhà cung cấp sữa và phối hợp triển khai là Vinamilk, với mức hỗ trợ 25% trên giá dự thầu, giúp tỉnh tiết kiệm được 14 tỷ đồng ngân sách. “Chương trình góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, cha, mẹ, người chăm sóc về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là bữa ăn học đường”, ông Quang Bửu phát biểu.
Trước khi chính thức triển khai vào ngày 1/6 vừa qua, tỉnh và Vinamilk đã tổ chức các buổi tập huấn dành cho giáo viên, cán bộ giáo dục của 6 huyện trên về kiến thức dinh dưỡng, tổ chức uống sữa, công tác đặt hàng, giao nhận, bảo quản…
Tiến sĩ Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, chương trình Sữa học đường được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2016. Đây là một chương trình ý nghĩa với sự phát triển của trẻ em cả về thể lực và trí tuệ. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn về kinh phí nên mới có một số tỉnh mới triển khai.
Theo ông Khoa, các huyện miền núi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao gấp 2 lần so với huyện đồng bằng; Nhóm dân tộc thiếu số cao hơn 2 lần so với dân tộc kinh. “Quảng Nam là tỉnh còn khó khăn nhưng đã nỗ lực triển khai sữa học đường”, ông Khoa nói.
Lãnh đạo Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em thông tin, trong thời gian tới sẽ đề nghị tiếp tục triển khai chương trình sữa học đường. Cơ quan này đang xây dựng kế hoạch báo cáo Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục kéo dài chương trình sữa học đường. Trước mắt giai đoạn 2021 đến 2025 và tiếp tục sau đó.
Đắc Thành
https://vnexpress.net/hoc-sinh-mien-nui-uong-sua-mien-phi-4109628.html