Từng là học sinh chuyên Anh của Trường THPT Chuyên Hưng Yên, Phương luôn tự tin khả năng nghe của mình khá tốt. Cho đến khi thi thử và chỉ đạt 5.0 IELTS Listening, nữ sinh tá hỏa đi tìm phương pháp học.
Nguyễn Thu Phương hiện đang là sinh viên năm 3, ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Trong kỳ thi IELTS vừa qua, Phương đạt điểm tuyệt đối 9.0 ở kỹ năng Listening (Nghe). Trước đó, khi thi thử, khả năng nghe của Phương chỉ đạt 5.0.
Để có bước “nhảy vọt” này, chỉ trong vỏn vẹn 3 tháng, Phương áp dụng thử rất nhiều phương pháp để tìm ra đường đi phù hợp nhất với bản thân.
Khi bắt đầu, Phương đã mắc phải một sai lầm mà nhiều người mới học IELTS thường mắc là tải quá nhiều tài liệu về máy, nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
“Những ngày đầu tự học IELTS, em đọc rất nhiều bài chia sẻ và tải đầy một tệp tài liệu với đủ loại sách. Em mất khoảng 2 tuần để nhận ra rằng mình đang đi lệch hướng. Ngay sau đó, em bắt đầu xem lại và lọc tài liệu, chỉ giữ lại những gì em thấy hay và phù hợp”, Phương nói.
Sai lầm thứ hai Phương mắc phải là vội vàng làm đề thi quá sớm, làm rất nhiều nhưng không hiệu quả vì chỉ kiểm tra được đáp án chứ không chữa bài cẩn thận.
Thường xuyên mắc lỗi sai, mỗi lần như vậy, Phương lại nôn nóng muốn làm một đề mới để xem kết quả có tốt hơn không. Tuy nhiên, kết quả điểm của Phương vẫn mãi lẹt đẹt ở mức 6.0, 6.5.
Vì vậy, nữ sinh cho rằng, điều quan trọng nhất để việc học nghe hiệu quả hơn chính là biết được lỗi sai của mình, dù là những lỗi nhỏ nhất để kịp thời chỉnh sửa.
Trong thời gian ôn thi, Phương cũng thử áp dụng một số phương pháp nổi tiếng như nghe chép chính tả, nghe take note (ghi chú) và nghe phản xạ.
“Cả 3 phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng và phù hợp với những giai đoạn khác nhau. Phương pháp nghe chép chính tả giúp rèn được sự cẩn thận và bình tĩnh hơn mỗi khi làm bài. Đặc biệt với những bạn mới học nghe, sau một thời gian, cách học này sẽ giúp các bạn tiến bộ rõ rệt và có thể nghe được hầu hết các từ trong bài”, Phương nói.
Nhưng chỉ nghe được thôi là chưa đủ. Bài nghe IELTS còn yêu cầu thí sinh phải xử lý thông tin nhanh chóng để lựa chọn đáp án. Vì vậy, cần phải luyện thêm kỹ năng nghe take note và nghe phản xạ.
Nghe take note là nghe và ghi chép ngắn gọn nội dung chính; trong khi đó, nghe phản xạ là nghe hiểu ngay lập tức (khả năng tư duy bằng tiếng Anh). Phương cho rằng, đây chính là hai phương pháp nâng cao và là điểm mấu chốt để đạt mốc điểm IELTS Listening cao.
“Bản thân em đã tập trung ôn luyện phương pháp nghe phản xạ và có thể nghe hiểu nội dung bài khá nhanh. Việc này một phần do em thường xuyên xem phim, nghe nhạc Âu Mỹ và xem Youtube. Do có nhiều nội dung trên youtube không có Vietsub nên em vừa nghe vừa học và tiến bộ dần dần”.
Lộ trình nâng điểm IELTS Listening của Phương từ 5.0 lên 9.0 cũng bao gồm 4 chặng.
Ở giai đoạn “Làm quen” (mốc 5.0 – 5.5), Phương bắt đầu với phương pháp nghe chép chính tả. Nữ sinh thường luyện tập bằng cách chọn nghe những video dài khoảng 3 phút với chủ đề yêu thích; sau đó nghe từng câu và tập trung ghi chép lại tất cả những gì nghe được.
Với những đoạn không thể nghe, Phương thường bỏ cách hoặc ghi bằng phiên âm Tiếng Việt. Sau khi hoàn thành, Phương sẽ tự điền lại những chỗ trống bằng suy luận và vốn từ, vốn ngữ pháp đã có. Cuối cùng là nghe lại một lần nữa và hoàn thiện bài bằng màu mực khác.
“Sẽ có những từ mình biết nhưng vẫn không thể nghe được, do bản thân phát âm sai hoặc do nối âm nên khó nghe. Do đó, cần xem phát âm của từ điển và nghe lại đoạn ghi âm để rút kinh nghiệm”, Phương nói.
Đến giai đoạn “Lấy sức” (mốc 6.0 – 6.5), Phương bắt đầu làm đề thi thật ở bộ Cambridge IELTS. Nữ sinh đọc hiểu toàn bộ nội dung của bài nghe, tra nghĩa, cách phát âm của các từ mới xuất hiện trong bài, sau đó mới bắt đầu làm bài và kiểm tra đáp án.
Mỗi ngày, Phương luôn cố gắng làm một bài nghe trong sách Cambridge IIELTS 7-17 và tận dụng triệt để bằng cách “soi đi soi lại lỗi sai”, học từ mới và phần diễn giải câu trả lời. Song song với việc này, Phương vẫn duy trì nghe, chép chính tả.
Trong giai đoạn “Nước rút” (7.0), khi thấy bản thân đã nghe tốt, Phương ngừng chép chính tả và tập trung học cách nghe hiểu, xử lý thông tin thật nhanh, chính xác.
“Em thường ghi lại các thông tin khi nghe để tập nắm bắt nội dung, đồng thời cả những phần gây nhiễu, những ‘cú lừa’ mà IELTS Listening mang đến. Bài nghe luôn ‘lừa’ mình bằng cách nhắc đến rất nhiều thứ ‘gây nhiễu’. Vì vậy, cần phải bình tĩnh, tập trung nghe – hiểu và chọn đáp án đúng”.
Cuối cùng là giai đoạn nhảy vọt (8.0+). Ở giai đoạn này, Phương bắt đầu nghe với tốc độ tăng dần từ x1.25 đến x1.75 để quen tai. Việc này nhằm giúp khi thi thật, tốc độ bài nghe trong phòng thi không làm khó được thí sinh.
“Luyện tập liên tục và xem lại lỗi sai, khắc phục điểm yếu trong giai đoạn này là cần thiết. Và điều quan trọng nhất khi thi, cần giữ đầu óc thoải mái, tập trung nghe và xử lý thông tin, điểm IELTS Listening cao sẽ nằm trong tầm tay”, Phương nói.
Nguồn vietnamnet