fbpx

Thông tư số 26 của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm 2020 có gì đặc biệt?

Học sinh THCS và THPT sẽ được bỏ bài kiểm tra một tiết, hình thức đánh giá sẽ đa dạng hơn, có cả làm bài trên máy tính.

Thông tư số 26 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT, có hiệu lực từ 11/10, cho thấy nhiều điểm mới, đặc biệt là việc giảm số đầu điểm kiểm tra.

Với môn học có từ 35 tiết trở xuống mỗi năm, học sinh phải có hai đầu điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên; môn học từ trên 35 đến 70 tiết có 3 và trên 70 tiết có 4 đầu điểm. Trong mỗi học kỳ, một môn học có một điểm kiểm tra giữa kỳ và một điểm cuối kỳ.

Điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1, giữa kỳ tính hệ số 2 và cuối kỳ tính hệ số 3. Điểm trung bình môn học kỳ là trung bình cộng của điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên, giữa kỳ và cuối kỳ với các hệ số quy định.

Như vậy, so với Thông tư 58 năm 2011, điểm kiểm tra một tiết đã được loại bỏ, số đầu điểm ở từng môn vì thế giảm. Môn nhiều nhất chỉ có 6 đầu điểm.

Học sinh trường THCS Nguyễn Du (Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong ngày đầu trở lại trường hồi tháng 5, sau ba tháng nghỉ phòng chống Covid-19. Ảnh: Ngọc Thành.

Học sinh trường THCS Nguyễn Du (Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong ngày đầu trở lại trường hồi tháng 5, sau ba tháng nghỉ phòng chống Covid-19. Ảnh: Ngọc Thành.

Ở thông tư 26, các hoạt động đánh giá được cụ thể hóa hơn so với trước đây. Trong đó, kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hỏi – đáp; viết ngắn; thuyết trình; thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập gắn với chủ đề dạy học cụ thể.

Kiểm tra, đánh giá định kỳ (giữa kỳ và cuối kỳ) cũng được đa dạng hóa thông qua bài kiểm tra (có thể thực hiện trên giấy hoặc trên máy tính từ 45 đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa là 120 phút), bài thực hành, dự án học tập. Đây là điểm mới mà thông tư cũ không có.

Theo ông Sái Công Hồng, Vụ phó Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), việc sử dụng bài thực hành, dự án học tập giúp mức độ đánh giá được rộng và sâu hơn. Tuy nhiên, giáo viên cần hướng dẫn và công khai tiêu chí trước cho học sinh để bảo đảm khách quan, công bằng, tương đương về mức độ hay yêu cầu cần đạt so với các hình thức kiểm tra, đánh giá khác.

Cũng theo ông Hồng, đây là lần đầu tiên hình thức kiểm tra viết được cho phép thực hiện trên máy tính nhằm tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin, qua đó đẩy mạnh hoạt động đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh và đặc biệt phát triển rất tốt năng lực tự học của người học.

Tuy nhiên, hoạt động này chỉ nên thực hiện ở những trường bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị. Do đó, việc áp dụng thông tư cần linh hoạt, không cứng nhắc khi sử dụng phương thức tổ chức bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ trên máy tính.

Thông tư 26 nhấn mạnh đề kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ sẽ được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học hay hoạt động giáo dục. Cách làm này sẽ đánh giá sát thực hơn việc học tập đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh và tạo công bằng giữa các lớp, trường, vùng miền.

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập huấn, hướng dẫn thống nhất việc xây dựng và sử dụng ma trận, đặc tả bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ; đảm bảo chuẩn đánh giá, thống nhất trong toàn quốc.

Một điểm mới nữa ở thông tư 26 là tất cả môn học đều có đánh giá bằng nhận xét thay vì chỉ thực hiện ở một số môn như trước đây. Việc này phải cụ thể từng khía cạnh của học sinh như sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập. Như vậy, học sinh sẽ được đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức và có nhiều cơ hội để thể hiện. Điều này sẽ giúp kết quả của hoạt động kiểm tra sát thực với năng lực của học trò.

Việc xét công nhận danh hiệu học sinh cũng có thay đổi theo hướng tăng cường khen thưởng toàn diện hoặc theo lĩnh vực. Ngoài danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến như hiện hành, thông tư đưa thêm danh hiệu học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện.

Điều kiện để được công nhận học sinh giỏi cũng mở rộng khi đưa môn Ngoại ngữ vào vị trí tương xứng với môn Toán, Ngữ văn nhằm đẩy mạnh việc phát triển năng lực ngoại ngữ cho học sinh phổ thông, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của việc sử dụng ngoại ngữ trong cuộc sống.

Nguồn: vnexpress

0235 3808088