fbpx

Tiếng Anh trong doanh nghiệp: Điều kiện tiên quyết cho các chiến lược hội nhập

Để đối phó với thực trạng hội nhập nhanh như hiện nay thì ngoài việc thay đổi chiến lược kinh doanh, một số nhà lãnh đạo cũng đang ráo riết tìm cách nâng cao chất lượng tiếng Anh trong doanh nghiệp.

Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, khiến vấn đề sử dụng tiếng Anh trong doanh nghiệp trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý. Bởi đơn giản, những công ty không sử dụng tiếng Anh dễ có nguy cơ bị tụt lại phía sau những đối thủ cạnh tranh của họ.

Trình độ tiếng Anh trong doanh nghiệp phản ánh tiềm năng phát triển của công ty

Sau Hiệp định Thương mại tự do mở cửa thì Việt Nam đã vươn lên trở thành 1 trong những nước thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu khu vực. Ngoài ra, tính đến thời điểm tháng 4/2019, Việt Nam đã thực hiện ký kết và đàm phán 16 hiệp định thương mại quốc tế, mở ra cơ hội lớn cho tất cả các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi kèm với thách thức và 1 trong số đó là cải thiện trình độ tiếng Anh cho doanh nghiệp.

Thực trạng toàn cầu hóa đang thúc đẩy 1 lượng lớn các công ty trong nước mở rộng hình thức, hoạt động kinh doanh ra bên ngoài biên giới quốc gia của mình và từng bước trở thành những tập đoàn đa quốc gia. Để làm được việc này, nâng cấp trình độ tiếng Anh văn phòng và giao tiếp thương mại cho nhân viên là điều mà các cấp lãnh đạo cần đặc biệt lưu tâm. Bởi nếu khả năng tiếng Anh giao tiếp văn phòng kém, những hợp đồng và dự án cần trình độ ngoại ngữ sẽ rất khó để đấu thầu và triển khai.

Theo như kết quả nghiên cứu của JPMorgan Chase – 1 trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới cho thấy, 61% các doanh nghiệp có thị phần trung bình rất tích cực hoạt động trong các thị trường quốc tế vào năm 2013, tăng lần lượt 3%, 18% so với các năm 2012 và 2011.

Việc nhân viên của các công ty nội địa giao dịch với khách hàng, đồng nghiệp, nhà cung cấp và đối tác ở nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến hơn. Những doanh nghiệp đang phát triển mạnh trong điều kiện kinh doanh này đều sở hữu cho mình 1 đội ngũ có trình độ tiếng Anh chuyên môn tốt và được đào tạo để giao dịch hiệu quả trên phạm vi toàn thế giới. Nếu chưa muốn đứng ngoài cuộc chơi, các nhà quản lý cần phải có động thái ngay từ bây giờ.

Xu hướng của kinh doanh hiện tại là lấn sân ra bên ngoài biên giới lãnh thổ 

Tiền đề để mở rộng lĩnh vực kinh doanh

Tiếng Anh trong doanh nghiệp không chỉ quan trọng trong việc thâm nhập thị trường mới, mà còn là điều kiện tất yếu để mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Khi 1 doanh nghiệp phát triển đến quy mô đủ lớn, đa dạng hóa mặt hàng và lĩnh vực kinh doanh là điều chắc chắn xảy ra. Nhưng nếu lĩnh vực mà công ty chuẩn bị đầu tư, mở rộng lại gặp cản trở về ngôn ngữ thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Hiện nay, có rất nhiều lĩnh vực đòi hỏi tiếng Anh văn phòng và giao tiếp thương mại. Thông thường, đó đều là những nguồn thu mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp. Nếu nhân viên của bạn có trình độ tiếng Anh đủ tốt để có thể đảm bảo công việc diễn ra suôn sẻ thì điều đó thật đáng mừng, còn nếu không, mời bạn tham khảo những số liệu từ cuộc khảo sát của cơ quan Tình báo Kinh tế với 572 CEO từ các tập đoàn đa quốc gia về những tai hại mà bất đồng ngôn ngữ mang đến.

  • 74% công ty Brazil đã từng chịu ảnh hưởng lớn của việc bất đồng ngôn ngữ khi thực hiện các thương vụ giao dịch quốc tế.
  • 61% doanh nghiệp Trung Quốc bị tổn thất bởi lý do tương tự.
  • 64% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sự khác biệt trong ngôn ngữ và văn hoá khiến họ gặp khó khăn trong việc ghi dấu ấn tại các thị trường nước ngoài.
  • 70% lãnh đạo cho biết đôi khi họ đối mặt với những khó khăn khi giao tiếp với các đối tác kinh doanh.

Nhìn qua thống kê trên, ta dễ dàng nhận thấy tác động trực tiếp của tiếng Anh văn phòng và giao tiếp thương mại đến kế hoạch kinh doanh của tất cả những doanh nghiệp dù ở bất cứ cấp độ nào. Qua 1 nghiên cứu độc lập của Illuminas vào năm 2014 trên phạm vi toàn cầu cho thấy, 79% những người đứng đầu trong các doanh nghiệp đầu tư vào việc đào tạo tiếng Anh cho nhân viên đều thu được doanh số bán hàng cao hơn.

Nếu đứng trên cương vị người làm chủ doanh nghiệp, bạn sẽ hoàn toàn không muốn trình độ tiếng Anh làm cản trở việc kinh doanh của công ty 

Nguyên nhân của những câu chuyện “cười ra nước mắt”

Theo ông Masaki Yamashita – Tổng giám đốc ngân hàng Mitsubishi UFJ Việt Nam cho biết, đa phần các doanh nghiệp nước ngoài đều bất mãn với nguồn nhân lực tại Việt Nam bởi trình độ tiếng Anh giao tiếp văn phòng và kỹ năng làm việc nhóm kém. “Tôi rất tiếc là các cử nhân ra trường có kiến thức chuyên môn rất tốt, nhưng lại rất hạn chế về ngoại ngữ. Rào cản ngoại ngữ giải thích nguyên nhân tại sao doanh nghiệp Việt Nam kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài”. Ông Masaki Yamashita chia sẻ.

Theo lời kể của anh Nguyễn Phương Lâm – nhân viên tại 1 tập đoàn Singapore, đã từng có 1 doanh nghiệp Việt Nam gửi lời mời cộng tác cho lãnh đạo bên anh, điều đặc biệt là cuối thư có chữ ký:

Friendly, Tran My Dung”.

Mặc cho nội dung trình bày trong thư được diễn giải rất tốt, nhưng cuối cùng, lời đề nghị này không hề được cân nhắc tới, mà chỉ thỉnh thoảng được đem ra làm ví dụ về những hệ lụy mà khả năng tiếng Anh yếu kém của nhân viên có thể gây ra” – anh Lâm chia sẻ. Ở trường hợp này, từ friendly hoàn toàn không có ý nghĩa và tên của người đại diện “My Dung” là 1 từ có nghĩa tương đối thô tục đối với người bản xứ.

Đến với 1 trường hợp khác của Vietnam Airlines vào năm 2014, khi 1 chiếc máy bay của hãng này đã suýt va chạm với 1 máy bay trực thăng quân sự do người kiểm soát không lưu của 2 bên gặp bất đồng về ngôn ngữ. Rất may mắn khi sự cố này đã không gây ra bất cứ thiệt hại nào về người và của, nhưng đã đe dọa nghiêm trọng tới an toàn hàng không.

Sau sự cố đáng tiếc trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ngay lập tức gửi công văn yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) rà soát lại chất lượng của toàn bộ nguồn nhân lực. Kết quả là đã có 10 kiểm soát viên không lưu bị cho nghỉ việc, không ký tiếp hợp đồng và không trả lương vì trình độ tiếng Anh yếu kém.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần lưu ý điều gì?

Đào tạo kỹ năng sử dụng tiếng Anh văn phòng và giao tiếp thương mại cho nhân viên là điều bắt buộc đối với bất cứ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, nếu không chú ý đến vấn đề quản lý nhân sự, việc công sức đào tạo bị bỏ phí là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Để tránh được sai lầm đáng tiếc trên, các cấp lãnh đạo nên chuẩn bị sẵn các điều khoản trong hợp đồng để ràng buộc sự phục vụ của nhân viên sau khi khóa học kết thúc.

Ngoài việc đảm bảo nhân viên sẽ tiếp tục ở lại công ty, những nhà quản lý cũng cần có động thái định hướng về tầm quan trọng của tiếng Anh cho doanh nghiệp cũng như bản thân người học. Nếu nhận thức được đầy đủ về trách nhiệm của việc học ngoại ngữ, khả năng tiếp thu và tiến bộ của nhân viên sẽ tốt hơn nhiều so với việc chỉ áp đặt mục tiêu và bắt họ thực hiện theo.

Đã trôi qua hơn 1 năm kể từ ngày Việt Nam chính thức bước vào sân chơi lớn của khu vực và quốc tế như TPP, AEC… nhưng bài toán về trình độ nhân lực vẫn chưa bao giờ làm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hết đau đầu. Việc đào tạo tiếng Anh chuẩn hóa cho nguồn nhân sự cần được ưu tiên thực hiện sớm nhằm tiết kiệm chi phí và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trước bước thềm 1 thời kỳ hội nhập mới đang cận kề.

Anh Duy (Tổng hợp)

0235 3808088