Đó là chia sẻ từ Tổng Giám đốc điều hành Hội đồng khảo thí tiếng Anh Cambridge (Cambridge Assessment English), bà Francesca Woodward, trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam.
Bà Francesca Woodward – Tổng Giám đốc điều hành Hội đồng khảo thí tiếng Anh Cambridge
Bà Francesca Woodward – Tổng Giám đốc điều hành Hội đồng khảo thí tiếng Anh Cambridge, đã bày tỏ ấn tượng với động lực học tiếng Anh của học sinh Việt Nam: “Chúng tôi nhận thấy người học tiếng Anh ở Việt Nam có động lực học rất cao, được thúc đẩy thêm bởi tầm nhìn giáo dục dài hạn của Bộ GD-ĐT.
Tôi tin rằng những nỗ lực của Việt Nam sẽ đảm bảo thế hệ nguồn nhân lực tương lai có trình độ tiếng Anh tốt và sẽ tiếp tục tạo ra những tác động trên tầm quốc tế“.
* Hiện nay người Việt Nam rất coi trọng việc học tiếng Anh và đã đầu tư rất nhiều thời gian cũng như chi phí cho việc học tập, nhưng tiếng Anh vẫn đang là rào cản cho người lao động Việt Nam khi hội nhập quốc tế. Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để giải quyết được vấn đề này?
– Bà Francesca Woodward: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trình độ tiếng Anh phù hợp vẫn nằm trong số những yếu tố được quan tâm hàng đầu của các công ty lớn trên khắp thế giới.
Kỹ năng tiếng Anh nơi làm việc vẫn đang là “vấn đề lớn”, một thách thức toàn cầu, chứ không riêng gì tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi thực sự ấn tượng với những gì đang diễn ra ở Việt Nam.
Chính phủ đã áp dụng Khung tham chiếu Trình độ Ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) để sinh viên có thể hình dung một cấu trúc học tập rõ ràng và tập trung vào các kỹ năng giao tiếp, đồng thời, tiếng Anh cũng được tích hợp hiệu quả vào chương trình học của các trường.
Việc học tiếng Anh ở Việt Nam đang được cải thiện hơn lúc nào hết, đặc biệt là việc các học sinh nhỏ tuổi đang học tiếng Anh như một môn học chính trong chương trình học. Chắc chắn các em sẽ tốt nghiệp với trình độ tiếng Anh tốt hơn nhiều so với thế hệ đi trước.
Việc học tiếng Anh cũng cải thiện ở cấp cao hơn khi sinh viên lựa chọn chuyên ngành tiếng Anh có thể tiếp cận các tài nguyên tốt hơn, nhiều hơn và có nhiều cơ hội sử dụng ngôn ngữ thực tế hơn.
Tháng 1 vừa qua, Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Cambridge đã ký Biên bản hợp tác với Đề án ngoại ngữ quốc gia của Bộ GD-ĐT để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh cũng như các môn học khác được dạy bằng tiếng Anh.
Tôi nghĩ hoạt động này sẽ tạo ra một khác biệt thực sự lớn ở cấp quốc gia.
* Phụ huynh ở Việt Nam đang có xu hướng cho con học tiếng Anh từ rất sớm. Theo kinh nghiệm của bà thì độ tuổi nào là phù hợp nhất để bắt đầu học tiếng Anh?
– Không có yêu cầu cụ thể về độ tuổi nên học tiếng Anh mặc dù nhiều nhà ngôn ngữ học và tâm lý học khẳng định rằng học từ lúc nhỏ sẽ cho kết quả tốt hơn.
Theo quan điểm của tôi, nên cho trẻ bắt đầu càng sớm càng tốt vì trẻ nhỏ rất dễ tiếp thu thông tin và kiến thức mới.
Tuy nhiên, với lứa tuổi nhỏ, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ học tiếng Anh theo cách tự nhiên thông qua các trò chơi và hoạt động thay vì bắt trẻ học nhiều. Điều quan trọng nhất là để trẻ thích học tiếng Anh, chứ không nên cố ép khi trẻ chưa sẵn sàng.
Trong chuyến thăm này, tôi có cơ hội được tham dự cuộc thi Cambridge Got Talent do một trường học ở thành phố Cần Thơ tổ chức.
Tại cuộc thi này, tôi nhận thấy các em học sinh Việt Nam không chỉ thể hiện các tài năng ngôn ngữ rất giỏi mà quan trọng hơn các em đã sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh để học tập và kết nối với các môn như khoa học với các lĩnh vực như về đổi mới sáng tạo.
Các em đã cho tôi thấy là tiếng Anh có thể là công cụ không chỉ giúp cho các em về giao tiếp mà con để mở rộng vốn hiểu biết của mình về thế giới, mang lại cho các em sự tự tin.
* Theo bà, người học ở Việt Nam nên xác định và lựa chọn đúng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế mà mình cần theo những tiêu chí nào?
– Có 2 điểm quan trọng cần xem xét khi lựa chọn các chứng chỉ tiếng Anh phù hợp.
Thứ nhất, chúng ta phải có được sự tự tin. Chúng ta cần học và thi đúng với trình độ của mình và sẽ đạt được kết quả tốt với nỗ lực học tập chăm chỉ.
Thứ hai, các bài thi cần phải kiểm tra đầy đủ toàn diện 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.
Các chứng chỉ tiếng Anh của Hội đồng khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge có một điểm mạnh rất vượt trội đó là dựa theo từng cấp bậc về năng lực ở trong Khung tham chiếu Trình độ ngôn ngữ chung châu Âu.
Nghĩa là các bài thi của chúng tôi được thiết kế từ trình độ A1 cho đến A2, B1 cho đến B2, C1 cho đến C2, tương ứng với 6 bậc của khung này.
Ví dụ khi thí sinh đạt chứng chỉ B2 First, thí sinh cũng như các công ty, nhà tuyển dụng, hay trường học hoàn toàn có thể tin tưởng rằng trình độ thực tế của thí sinh đó đúng là trình độ B2 trên khung của châu Âu.
Và khi người học có thể chuyển từ bậc học này sang bậc học cao hơn, điều đó đã thể hiện sự tiến bộ chắc chắn trong trình độ năng lực ngôn ngữ của họ.
* Xin cảm ơn bà!
Hội đồng khảo thí tiếng Anh Cambridge là thành viên của Đại học Cambridge, cung cấp các kỳ thi bao gồm: các kỳ thi tiếng Anh Cambridge, Linguaskill, IELTS, và chương trình giảng dạy tiếng Anh Cambridge.
Các kỳ thi tiếng Anh Cambridge được công nhận bởi hơn 25.000 tổ chức trên khắp thế giới như một minh chứng về khả năng ngôn ngữ.
Mỗi năm có hơn 5,5 triệu thí sinh tại hơn 130 quốc gia tham gia các kỳ thi chuyên sâu và các bài kiểm tra của Hội đồng khảo thí tiếng Anh Cambridge.